Cặp loa không làm tiếng đàn trở nên mọng hơn, căng hơn,
trong hơn hay sóng sánh hơn. Mà đơn giản, nó như một nhạc công chơi lại bản nhạc
trong phòng nghe trên một chiếc piano có thực. Nhưng quan trọng hơn việc tái hiện
âm thanh sao cho đúng, High Violoncello II MK II coi trọng việc tái tạo cảm xúc
của bản nhạc, vốn mang “mã gen” của cả tác giả lẫn nghệ sỹ biểu diễn. Tiếng đàn
khi chậm rãi, khoan thai, khi dập dồn với cảm xúc bị kìm nén, nay được giải
phóng ra 10 đầu ngón tay của Gergely Bogányi đầy chất chứa.
Khi chuyển sang
album piano Late Piano Works của Franz Liszt, do nghệ sỹ dương cầm Péter Tosth,
ngay lập tức, chúng tôi cảm nhận được sự khác biệt từ kỹ thuật trình tấu, âm sắc
của nhạc cụ khi chơi trên một cây piano khác, cho tới âm học của phòng nghe và
hiệu ứng micro tác động tới bản ghi ra sao. Dẫu là lần nghe thứ nhất, hay thứ
hai thì trải nghiệm nghe piano trên cặp loa này vẫn đầy dễ chịu và thú vị. Mỗi
khi nhạc nổi lên, chúng tôi lại có cảm giác như đang ngồi trong một thính phòng
với người nghệ sỹ bằng xương bằng thịt. Từng tiếng đàn vang lên rõ ràng, rành rọt
với cao độ, cường độ, trường độ có thể phân biệt không mấy khó khăn. Tiếng búa
gõ trên dây đàn vang, trong, những hài âm tinh tế lan tỏa trong không gian, nhỏ
dần rồi từ từ biến mất ở các vị trí khác nhau rất thú vị. Chuyển sang những
album nhạc có lời, từ dòng blues của B.B.King, country của David Munyon hay
jazz đương đại của Diana Krall cho tới dòng nhạc trữ tình của Việt Nam với các
giọng ca trong và ngoài nước như Tùng Dương, Thanh Lam, Mỹ Linh, Nguyên Khang,
Tuấn Ngọc…, tất cả đều mang lại những trải nghiệm nghe lôi cuốn. Có lẽ High
Violoncello II MK II nói riêng, và loa Acapella sử dụng trung kèn, treble
plasma nói chung đều nằm trong số những cặp loa có khả năng tái tạo giọng hát
hay nhất. Chưa bao giờ, chúng tôi nghe thấy giọng hát từ một cỗ máy tái tạo âm
thanh lại giàu chất “người” như vậy. Từ hơi thở nhẹ, từ tiếng lấy hơi, nhả chữ,
từ âm ngân rung trong lồng ngực, tại cổ họng của ca sỹ đều được tái tạo đầy đủ.
Ở cặp loa này, bên cạnh tinh thần chung của bản nhạc mà người nghe dễ dàng lĩnh
hội, nó còn lấp đầy khoảng cách giữa thính giả và nghệ sỹ, khiến người nghe cảm
nhận rõ và chính xác cảm xúc cũng như kỹ thuật của ca sỹ, hay nghệ sỹ chơi nhạc
cụ. Chính những trải nghiệm có chiều sâu này đã nâng cao chất lượng thưởng thức
cho người nghe, khiến những khoảnh khắc nghe nhạc trở nên thú vị hơn rất nhiều.
Với thể loại nhạc giao hưởng dàn lớn, bản nhạc được chọn nghe để trải nghiệm là
Dance Symphony của nhạc sỹ Nga Rachmaninoff. Đây là một bản nhạc hoàn hảo cho cả
việc thưởng thức âm nhạc lẫn kiểm chứng âm thanh. Những khúc pianissimo với tiếng
symbal, triangle, sáo gỗ và tiếng gại của cây vĩ trên dàn dây ở cường độ nhỏ vô
cùng vi tế. Ngược lại, những đoạn fortissimo với cả trăm nhạc cụ hòa thanh cùng
tốc độ, cường độ cao, tiếng trống định âm đập liên hồi và dàn đồng cùng lúc hòa
thanh tạo thành những âm thanh vô cùng tráng lệ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét